Bị trục xuất khỏi Brazil vì không có visa, Jeremy tìm đến đại sứ quán nước này ở Argentina và chi 100 USD để được cấp nhanh.
Nhà báo Jeremy Hurewitz mới 23 tuổi khi biết hối lộ lần đầu. Đó là khi anh trên đường tới Rio de Janeiro, Brazil. Dưới đây là những dòng chia sẻ của chàng trai Mỹ.
Dấu hiệu đầu tiên cảnh báo về một chuyến đi bão táp là giây phút check-in chuyến bay và bị hỏi visa. “Visa gì cơ? Tôi là người Mỹ cơ mà…”, anh thầm nghĩ. Tại quầy check-in, chàng trai nhận ra Brazil là một trong những nước tại Tây bán cầu yêu cầu công dân Mỹ phải xin cấp thị thực trước khi nhập cảnh.
Sau đó, Jeremy bị trục xuất sang Paraguay. Sau bao nỗ lực, anh đặt chân đến đại sứ quán Brazil tại Buenos Aires, Argentina.
Đôi khi du khách có thể thoát thân nhờ hối lộ. Ảnh: India TV.
Jeremy nhờ một lái xe taxi bản địa giúp tìm hiểu về bộ máy hành chính và cách để có thể đến Brazil nhanh nhất. Khi anh xếp hàng chờ, từ phía sau quầy nói vọng ra rằng người xin cấp visa hãy quay lại sau 72h để nhận giấy tờ.
Tài xế taxi trấn an anh, nói nhanh vài từ Tây Ban Nha với cán bộ sau quầy tiếp dân. Tài xế thì thầm nhắc Jeremy kẹp một tờ 100 USD vào hộ chiếu khi tới lượt. Hai tiếng sau, anh quay lại với visa hợp lệ và lên đường tới Rio ngay đêm đó.
Jeremy cảm thấy khoản tiền ấy hoàn toàn xứng đáng vì không ai muốn gặp rắc rối như vậy.
Dưới góc nhìn của một nhà báo
Tình trạng tham nhũng diễn ra ở rất nhiều đất nước trên thế giới. Ảnh: Awwaaz-Pakistan.
Bạn hãy cố gắng tránh xa những tình huống mà bạn có thể phải đút lót ai đó. Khi ấy, bạn sẽ có tiền để hỗ trợ những người đang nỗ lực thực hiện lẽ phải trong xã hội.
Đừng ngạc nhiên nếu bạn thấy mình lâm vào tình cảnh mà khi ấy lựa chọn sáng suốt nhất chỉ có thể là hối lộ. Khi bạn đã chấp nhận mất tiền, bạn cần biết lúc nào cần làm điều đó và làm như thế nào để giữ an toàn và xoay chuyển tình thế.
Kiểm tra mức độ tham nhũng của các quốc gia trước khi lên đường
Tham nhũng và an ninh quốc gia thường liên quan tới nhau. Những quốc gia có nhiều tham nhũng nhất thế giới như Somalia, Sudan hay Syria cũng là điểm đến thách thức của phượt thủ gan dạ. Trong khi đó, tỷ lệ tham nhũng ít nhất thuộc về Đan Mạch, New Zealand và Phần Lan, đây cũng là những nước an toàn nhất thế giới.
Alison Taylor, giảng viên môn đạo đức và minh bạch tại đại học Fordham, Mỹ, nhận định: “Nhiều du khách sẽ cảm thấy bất bình trước hiện trạng này, đừng quên rằng những người nghèo nhất trong xã hội cũng phải hối lộ để nhận những dịch vụ công cơ bản”.
Theo tổ chức Transparency International (Minh bạch Quốc tế), trung bình một công dân thành thị tại Đông Phi phải đút lót 16 lần/tháng. 99% khoản hối lộ của người dân Kenya là do đòi hỏi từ những nhân viên chính phủ và cảnh sát.
Cảnh sát giao thông bị bắt tại trận khi nhận hối lộ tại chốt giao thông bên đường Kisii-Kilogoris, Kenya. Video: Kenya NTV.
Thêm khoản hối lộ khi tính toán chi phí chuyến đi
Nếu đang định ra nước ngoài, bạn sẽ nhận ra những tình huống mà bạn buộc phải đút lót để có một ngày yên ổn.
Mark Ames, người đồng sáng lập trang eXile tại Moscow, hồi tưởng cú sốc khi cảnh sát Nga chặn anh lại vì trông giống người vùng Kazkav, những người mang nhiều định kiến trong mắt người dân Nga. Hai viên cảnh sát lôi anh lên xe, chở đến vùng ngoại ô vắng vẻ. Họ chĩa súng vào đầu Mark và bắt đầu tra hỏi về những tài liệu anh mang bên mình.
Hộ chiếu và visa của Mark đều hợp lệ. “Tôi biết họ muốn tiền, họ tiếp tục đe dọa tôi. Cuối cùng, tôi nhận ra kháng cự những người này thật không đáng, liền gợi ý: ‘Có lẽ chúng ta có cách để giải quyết chuyện này’, và họ tỏ ra niềm nở ngay lập tức – họ muốn hai chai vodka. Sau khi tôi mua rượu, họ nói sẽ chở tôi về bất cứ nơi nào trong thành phố, ít nhất tôi cũng được một chuyến xe miễn phí”.
Bạn thường gặp những cảnh sát cấp thấp, những người muốn bạn bỏ ra khoảng 20-50 USD. Hãy đưa tiền cho họ, sau đó báo cáo với đại sứ quán hoặc cung cấp thông tin cho báo chí nếu có vi phạm trắng trợn. Đừng nổi giận với cảnh sát tại nước ngoài, bạn phải thật bình tĩnh để kết thúc vụ việc càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, bạn cũng có có quyền tự bảo vệ mình. Alison nói rằng: “Quan trọng là bạn phải rạch ròi giữa việc bị quấy rầy với việc bị đe dọa tống tiền. Bạn không nên để mình gặp nguy hiểm”.
Đề phòng
Nếu bạn nghi cảnh sát sắp vô cớ chặn đường, hãy tìm cách để tránh bị moi tiền: Giữ tiền ở những chỗ khác nhau trong quần áo để nếu có bị sờ gáy, bạn cũng không mất tất cả; Ăn mặc kín đáo sẽ giúp bạn đỡ thu hút chú ý, tại nhiều nơi ở Brazil, bạn có thể vào tầm ngắm nếu đeo một chiếc đồng hồ hạng trung.
Daniel Levine, một cố vấn du lịch, biết rằng anh cùng một người bạn Mỹ chắc chắn sẽ không thoát khỏi rắc rối khi quyết định phượt vùng Transnistria, nơi tự tách khỏi Moldova và chỉ có luật rừng tồn tại.
Biên giới Transnistria. Ảnh: Sputnik International.
Sau quãng đường dài hàng trăm km, chiếc xe chở Daniel và bạn dừng ở “biên giới” Transnistria, chỉ họ phải xuống xe vì là hai người nước ngoài. Cảnh sát muốn xem visa của hai du khách, nếu không Daniel sẽ phải quay trở lại con đường vừa đi qua, trong khi Transnistria không có chủ quyền để cấp visa.
Những du khách Mỹ hỏi dò xem liệu có cách nào để họ tiếp tục lên đường ngay, cảnh sát nói: “Hai trăm”.
“Tôi chợt nhận ra đó là một cuộc thương lượng vì anh ta trả lời không chút gượng gạo. Tôi biết anh ta muốn để chúng tôi đi, nếu không anh ta sẽ chẳng được lợi gì. Họ mặc cả và định giá 50 euro cho mỗi người. Toàn bộ sự việc diễn ra trong 20 phút, sau đó chúng tôi lên xe đến thủ phủ của Transnistria, Tiraspol.
Tự lựa chọn “chiến tuyến”
Lời khuyên hữu ích nhất là bạn phải thực tế, nhưng hãy đảm bảo bạn hành động có tính toán, phòng khi mọi chuyện đi quá xa. Hãy lưu số điện thoại của đại sứ quán hoặc lãnh sự quán để có thể yêu cầu giúp đỡ, khi những đòi hỏi của nhân viên nhà nước hoặc cảnh sát quá vô lý, hoặc bạn cảm thấy bị đe dọa.
Bạn nên để gia đình, người thân và bạn bè biết rõ kế hoạch chuyến đi, ngày giờ check-in… để phòng trường hợp xấu.
Đừng quên kiểm tra kỹ hộ chiếu và visa trước khi ra nước ngoài, bạn sẽ tránh được khá nhiều tiền bạc và công sức nếu giấy tờ hợp lệ.
Jeremy Hurewitz
Nguồn:vnexpress