Tiêm kích Mỹ truy đuổi máy bay xâm phạm không phận Washington

Các tiêm kích F-16 của không quân Mỹ được điều động truy đuổi một máy bay xâm phạm không phận Washington trước khi nó lao xuống vùng núi Virginia.

Trong lúc rượt đuổi chiếc máy bay hai động cơ Cessna Citation ngày 4/6, các tiêm kích đã tạo ra tiếng nổ siêu thanh trên bầu trời thủ đô Mỹ, khiến người dân ở một số khu vực hoảng sợ.

Một nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay có 4 người trên chiếc Cessna. Máy bay loại này có thể chở 7-12 người. Theo trang web theo dõi chuyến bay Flight Aware, chiếc Cessna được đăng ký dưới tên công ty Encore Motors ở Melbourne, Florida.

1 Tiem Kich My Truy Duoi May Bay Xam Pham Khong Phan Washington

Một chiếc F-16 Fighting Falcon của không quân Mỹ bay qua Iowa hồi tháng 8/2022. Ảnh: U.S. Air National Guard

John Rumpel, chủ sở hữu Encore, nói với báo Washington Post rằng con gái ông, một người cháu và bảo mẫu đã ở trên máy bay. "Chúng tôi không biết gì về vụ tai nạn", Rumpel nói. "Chúng tôi đang trao đổi với Cục Hàng không Liên bang (FAA)".

Quân đội Mỹ cho hay họ đã cố gắng thiết lập liên lạc với phi công nhưng không nhận được hồi đáp. Sau đó, chiếc máy bay rơi xuống gần rừng quốc gia George Washington ở Virginia, theo tuyên bố từ Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD).

"Máy bay NORAD được phép di chuyển với tốc độ siêu thanh và người dân trong khu vực có thể nghe thấy tiếng nổ siêu thanh", tuyên bố cho biết, thêm rằng họ cũng sử dụng pháo sáng nhằm thu hút chú ý của phi công Cessna.

Theo FAA, chiếc máy bay cỡ nhỏ cất cánh từ sân bay thành phố Elizabethton ở Elizabethton, Tennessee, và hướng đến sân bay Long Island MacArthur ở New York, cách Manhattan khoảng 80 km về phía đông. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia sẽ điều tra sự việc. Một nguồn thạo tin cho biết chiếc Cessna dường như bay ở chế độ lái tự động.

Dữ liệu từ Flight Aware cho thấy chiếc Cessna dường như đã đến khu vực New York và thực hiện một cú ngoặt gần 180 độ, trước khi kết thúc hành trình ở Virginia. Cảnh sát bang Virginia cho hay họ đang tìm kiếm xác máy bay nhưng chưa có kết quả.

Mặc dù hiếm gặp, các sự cố như vậy không phải là chưa từng xảy ra. Phi công Golfer Payne Stewart thiệt mạng vào năm 1999 cùng với 4 người khác sau khi chiếc máy bay do anh này điều khiển đang bay với tốc độ cao nhưng không phản ứng yêu cầu hồi đáp từ cơ quan quản lý. Giới chức kết luận máy bay bị mất áp suất khiến phi công và hành khách bất tỉnh vì thiếu oxy. Máy bay cuối cùng rơi ở Nam Dakota mà không ai sống sót.

Vũ Hoàng (Theo Reuters)

Bài liên quan