Nhiều nghị sĩ Anh bị lừa đảo việc lương cao

Nhiều nghị sĩ cấp cao Anh thuộc đảng Bảo thủ nhận được lời mời làm cố vấn cho công ty nước ngoài giả mạo và đều được hứa hẹn mức lương "rất hấp dẫn".

1 Nhieu Nghi Si Anh Bi Lua Dao Viec Luong Cao

Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng và cựu Bộ trưởng Y tế Matt Hancock tham gia cuộc họp với một công ty giả mạo. Ảnh: Guardian.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng và cựu Bộ trưởng Y tế Matt Hancock thỏa thuận mức lương hơn 12.000 USD/ngày với tư cách cố vấn cho một công ty Hàn Quốc giả mạo, theo Guardian.

Đáng chú ý, ông Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922, cũng tham dự cuộc họp trực tuyến trên Zoom với một công ty nước ngoài giả mạo khác. Khi bàn bạc về những giới hạn trong công việc, ông Brady lưu ý rõ rằng mình không thể trực tiếp đứng ra ủng hộ nhưng có thể tư vấn cho công ty về việc nên tiếp cận ai trong chính phủ với mức lương đề nghị khoảng 7.300 USD/ngày.

Hồi cuối tuần này, cựu Bộ trưởng Stephen Hammond cho biết mình là nạn nhân của vụ “lừa đảo”. Ông Hammond tham gia vào cuộc thảo luận sơ bộ với một công ty nhưng sau đó ông phát hiện ra "công ty này là giả với một trang web giả mạo”.

Theo Guardian, các nghị sĩ trên đều nhận được email từ công ty tư vấn và đầu tư giả mạo có tên Hanseong Consulting. Trong email, công ty này muốn tuyển dụng các cá nhân tham gia ban cố vấn quốc tế nhằm “giúp khách hàng điều hướng các khuôn khổ chính trị, quy định và lập pháp đang thay đổi” ở Vương quốc Anh và châu Âu.

Công ty trên yêu cầu mỗi cố vấn tham dự sáu cuộc họp hội đồng quản trị hàng năm, với mức thù lao “rất hấp dẫn” và “chi phí hào phóng” cho các chuyến du lịch quốc tế.

Mới đây, Bộ Nội vụ Anh đưa ra cảnh báo cho các nghị sĩ nước này nên cảnh giác trước “mối đe dọa can thiệp từ nước ngoài”, theo Guardian.

Mặc dù các nghị sĩ Anh không bị cấm tham gia vào cuộc họp với công ty nước ngoài và không đạt được thỏa thuận với công ty giả mạo, chính phủ Anh hiện giám sát chặt chẽ về thu nhập bên ngoài của các chính trị gia.

Nhiều nghị sĩ Công đảng lên tiếng chỉ trích những người tham gia vụ lừa đảo, và một số cho rằng đó là hành động "đáng xấu hổ".

“Trở thành nghị sĩ là một công việc toàn thời gian. Rishi Sunak đã hứa về chính phủ liêm chính ở mọi cấp độ, nhưng các nghị sĩ của chính ông ấy dường như đang vi phạm các quy tắc. Điều này thật đáng xấu hổ, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt", bà Thangam Debbonaire, Nghị sĩ thuộc đảng Lao động, nói.

Theo: ZING.VN

Bài liên quan