Trong phiên tranh luận chiều 2/4, bị cáo Đỗ Thị Nhàn thừa nhận có nhận được tiền trong thùng xốp mà Võ Tấn Hoàng Văn gửi “quà”, tuy nhiên không biết đó là tiền của bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát.
Thực hiện hành vi phạm tội của cựu Cục trưởng là theo sự chỉ đạo?
Chiều 2/4, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát với phiên tranh luận đối đáp. Các luật sư bào chữa cho các bị cáo Đỗ Thị Nhàn, Văn Trước, Chu Lập Cơ, Võ Tấn Hoàng Văn và Trương Huệ Vân đều có tranh luận, mong HĐXX giảm nhẹ mức án.
Luật sư Nguyễn Thị Hải Hương bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn cho biết, bị cáo Đỗ Thị Nhàn thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Hưng sau đó trực tiếp chỉ đạo các thành viên trong đoàn thanh tra. Các hành vi này được thực hiện khép kín, do đó VKS truy tố các bị cáo trong Đoàn thanh tra là đồng phạm với bị cáo Nguyễn Văn Hưng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", còn bị cáo Nhàn lại bị tách ra để truy tố tội khác nặng hơn là tội "Nhận hối lộ".
Vị luật sư này cho rằng, bị cáo Nhàn không chủ động gặp Trương Mỹ Lan. Văn là người chủ động nhờ Nhàn gặp Lan để Nhàn nói Lan bán tài sản (lời khai của Lan và Văn). Việc nhận và đưa tiền sau khi kết thúc thanh tra, tức là việc thanh tra của bị cáo Nhàn đã hoàn thành; việc bị cáo chỉnh sửa số liệu là theo sự chỉ đạo của bị cáo Hưng.
Không có thỏa thuận, yêu cầu khi Nhàn nhận tiền; Không có chứng cứ chứng minh việc Trương Mỹ Lan đưa tiền và việc tiền của Nhàn; Không có thỏa thuận trước vì không biết thỏa thuận đó có được sự đồng ý của cấp trên hay không. Nên bị cáo thực hiện hành vi một cách hy hữu, sau khi nhận tiền bị cáo để đó và giao nộp lại đầy đủ cho CQĐT. Bị cáo Nhàn không phạm tội trong trường hợp dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn trong phiên tòa chiều 2/4. Ảnh: Lê Giang.
Bên cạnh đó, luật sư này cũng đưa ra luận điểm việc Đỗ Thị Nhàn không phải chủ mưu khi nhận sự chỉ đạo của bị cáo Hưng để sau đó chỉ đạo cấp dưới thực hiện. Nên việc thực hiện hành vi phạm tội của bà Nhàn là theo sự chỉ đạo chứ không phải "chủ mưu".
Bổ sung lời bào chữa của luật sư Nguyễn Thị Hải Hương, bị cáo Đỗ Thị Nhàn cho biết, quen Võ Tấn Hoàng Văn từ năm 2009 qua các hoạt động đào tạo ngân hàng. Việc quen biết với Văn và tặng quà qua lại là bình thường.
"Việc Văn tặng quà với tiền trong thùng xốp, do tôi chủ quan, vì là người quen nên bị cáo không biết, và Văn cũng không nói là tiền của bà Trương Mỹ Lan. Về sau bị cáo mới biết khi Văn ngỏ lời nhờ. Tôi nhiều lần nói Văn sang lấy quà đó về nhưng Văn tìm nhiều lý do thoái thác. Những lần sau tôi không nhận thì Văn có những lời lẽ không hay", bị cáo Đỗ Thị Nhàn nói.
Bà Nhàn còn cho biết, việc chỉ ra sai phạm của SCB trong giai đoạn 2017-2018 và đề xuất đưa vào việc kiểm soát đặc biệt là bằng chứng cho việc làm không vị nể công khai của đoàn thành tra. Kết quả này đã được VKS sử dụng tại phiên tòa.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa chiều 2/4. Ảnh: Lê Giang.
Trương Huệ Vân: Bị cáo không có suy nghĩ chiếm đoạt tài sản
Trong khi đó, luật sư Lê Hồng Nguyên bào chữa Võ Tấn Hoàng Văn đồng tình với quan điểm của phía công tố về hành vi đưa nhận hối lộ, đồng tình đánh giá của VKS về bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn phù hợp với số tiền đưa Đỗ Thị Nhàn. Nhưng luật sư không đồng tình với quy kết việc đưa nhận hối lộ của Văn là có chủ đích.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, bị cáo đồng tình với ý kiến của luật sư. Bị cáo bổ sung thêm về cáo buộc tham ô của mình. "Việc thành lập 3 trung tâm kinh doanh là ý kiến chị Hồng, sau khi hội đồng xem xét đã phê duyệt với mục đích tiết kiệm chi phí cho ngân hàng. Cuối ngày đều hạch toán vào sổ sách SCB. Tất cả các khoản vay đều công khai minh bạch. Bị cáo tham gia SCB từ 2013, bị cáo không nghĩ ra thêm mà chỉ tiếp tục nối tiếp các hoạt động trước đó. Không có hoạt động làm mới với mục đích lừa đảo", bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn nói.
Bị cáo Trương Huệ Vân trong lời bào chữa đã xin HĐXX cân nhắc về hoàn cảnh của mình. "Bị cáo mới tham gia hoạt động của Vạn Thịnh Phát từ sau dịch Covid-19 để giúp đỡ cô mình là bà Trương Mỹ Lan. Bị cáo không có suy nghĩ chiếm đoạt tài sản. Bị cáo chỉ nghĩ rằng có vay có trả. Bị cáo giờ ý thức đó là việc làm sai, mong được mức án nhẹ hơn".
Bị cáo Trương Huệ Vân tại phiên tòa chiều 2/4. Ảnh: Lê Giang.
Luật sư Chu Thị Trang Vân bào chữa cho Trương Huệ Vân cũng cho rằng trường hợp Trương Huệ Vân việc áp dụng các tình tiết tăng nặng quá nghiêm khắc. Trương Huệ Vân không có trao đổi bàn bạc với bà Lan và lãnh đạo SCB. Trương Huệ Vân không đề xuất các khoản vay của công ty, các hoạt động phạm tội của Trương Huệ Vân thụ động. Trương Huệ Vân có tham gia một số cuộc họp do bà Trương Mỹ Lan chủ trì.
Sau dịch Covid-19 Trương Huệ Vân mới tham gia Vạn Thịnh Phát, chủ yếu đầu tư dự án, xúc tiến đầu tư, tháo gỡ pháp lý, truyền thông chứ không tham gia hoạt động tín dụng. Trương Huệ Vân nhận trách nhiệm công việc của Trương Mỹ Lan phân công. Chức danh được cô mình đặt để phát triển tập đoàn. Điều đó bị hiểu rằng Trương Huệ Vân là thành phần quan trọng trong hoạt động của Vạn Thịnh Phát.
Luật sư Chu Thị Trang Vân cũng cho biết, Trương Huệ Vân đã khắc phục hậu quả khi được bà Trương Mỹ Lan chuyển một phần tài sản. Bên cạnh đó, chồng của Trương Huệ Vân cũng chủ động đóng 2 tỷ đồng khắc phục và nộp biên lai cho tòa.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT