Cầu sẽ trở thành biểu tượng kiến trúc mới, với thiết kế tháp cầu vút cao, mang đậm nét văn hóa và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của khu vực.
Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đang có những bước tiến quan trọng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hòa Bình, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng và chuẩn bị cho việc khởi công. Tuyến cao tốc này không chỉ góp phần mở rộng mạng lưới giao thông mà còn thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn vào các gói thầu thi công.
Theo kế hoạch, tỉnh Hòa Bình sẽ thu hồi hơn 354ha đất, chủ yếu là đất rừng và đất lúa cần chuyển đổi mục đích sử dụng. Hiện tại, hơn 20% diện tích đất đã được kiểm đếm và đền bù, sẵn sàng cho việc khởi công dự án vào tháng 9/2024. Quá trình đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc đảm bảo dự án diễn ra đúng tiến độ.
Một điểm nhấn quan trọng của dự án là cầu Hòa Sơn, cây cầu dây văng dự kiến có nhịp chính dài nhất Việt Nam với chiều dài 550m.
Cầu Hòa Sơn nằm trong tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu - một dự án quan trọng nhằm cải thiện kết nối giao thông giữa các tỉnh Tây Bắc và Hà Nội. Cầu được xây dựng bắc qua sông Đà, ở thượng lưu hồ Hòa Bình với tổng chiều dài toàn cầu khoảng 1.010m.
Bối cảnh 3D cầu Hòa Sơn do Ai vẽ
Trong giai đoạn đầu, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu sẽ được xây dựng với 2 làn xe, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m và dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2024-2028. Sau đó, tuyến sẽ được nâng cấp thành cao tốc với vận tốc thiết kế 80 km/h, góp phần nâng cao hiệu quả kết nối giao thông khu vực Tây Bắc.
Đoạn cao tốc dài 34km qua địa phận Hòa Bình có tổng cộng 30 cây cầu với chiều dài gần 7,5km. Tổng mức đầu tư của dự án lên đến 9.997 tỷ đồng, trong đó 8.243 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 1.754 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Hòa Bình.
Dự án bao gồm 2 gói thầu xây dựng. Gói thầu XL-01 chịu trách nhiệm thi công đoạn từ Km19+000 đến Km40+750, với giá trị hơn 1.906 tỷ đồng. Gói thầu XL-02 gồm các công tác khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công, xây dựng 2 công trình hầm, cùng các hạng mục nền, mặt đường, và công trình trên tuyến đoạn từ Km34+990 đến Km37+87,870 và từ Km37+798,400 đến Km38+911,540, với tổng giá trị hơn 1.036 tỷ đồng.
Trong gói thầu XL-02, có hai liên danh nhà thầu tham gia, bao gồm: liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải và CTCP Sông Đà 10; liên danh thứ hai là Công ty TNHH Hòa Hiệp, CTCP Xây dựng công trình giao thông 144 và CTCP Xây lắp 368.
Ngoài cầu Hòa Sơn, tuyến cao tốc này còn có ba hầm xuyên núi, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả khai thác trong quá trình vận hành giao thông.
Theo Chất lượng và Cuộc sống