Drone tự chế của Ukraina gây khốn đốn cho Matxcơva

Một tuần lễ thảm hại cho Kremlin, đã phải vất vả trước hơn một chục vụ tập kích vào trung tâm Matxcơva, phải liên tục đóng cửa những phi trường lớn, những vụ nổ không thể giải thích tại các nhà máy vũ khí, sân bay, kho xăng, đường xe lửa.

Những loại drone mới đã được Ukraina chế tạo để tấn công sâu vào nước Nga, gần đây nhất là các cuộc tập kích hàng loạt vào sáu vùng trên đất địch.

The Economist tìm hiểu « Bên trong cuộc chiến drone chống lại Putin ». 

1 Drone Tu Che Cua Ukraina Gay Khon Don Cho Matxcova

Kremlin muối mặt với những vụ drone tập kích liên tục

Hôm thứ Tư 30/08, Kiev đã tung ra đợt tấn công bằng drone lớn nhất từ trước đến nay vào lãnh thổ Nga, và riêng tại Pskov, bốn phi cơ vận tải đã bị phá hủy. Trước đó theo những nguồn tin địa phương, các drone hôm 25/08 đã đánh vào một căn cứ quân sự ở Crimée làm nhiều người chết, những binh sĩ bị thương tràn ngập bệnh viện.

Một nguồn tin thân cận với những người sáng tạo ra Morok, một trong những drone được đem thử nghiệm trong vụ tấn công Crimée, khẳng định năng lực không kích mới này của Ukraina là kết quả của « những hạt mầm đã được gieo từ nhiều tháng qua », và đang chuẩn bị sản xuất hàng loạt. Đây là kiểu drone tự sát bay rất nhanh và mang được trọng lượng lớn trên chặng đường hàng mấy trăm cây số. Ê-kíp Morok làm việc miệt mài để làm ra những drone này mà không có tài trợ của chính phủ, chỉ nhờ vào một số mạnh thường quân.

Ukraina cần phải đối phó với Nga, siêu cường về hỏa tiễn, và còn được trợ lực bởi các drone Shahed giá rẻ mua của Iran, trong khi Kiev không được sử dụng những vũ khí do phương Tây viện trợ. Ukraina phải phát triển hỏa tiễn mới hoặc tái sử dụng đồ cũ, như hỏa tiễn địa-không S-200 nay được dùng như địa-địa. Đồng thời một mạng lưới tình nguyện viên và các nhóm của chính phủ cố gắng chế tạo drone trong nước.

Tác động tâm lý đồng thời hỗ trợ tuyến đầu

Chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái được đẩy mạnh vì nhiều lý do. Các cuộc tấn công vào Matxcơva chiếm trang nhất các báo nhằm tạo tác động tâm lý, cho người dân bình thường thấy được thực tế chiến tranh. Bên cạnh đó, các quân nhân Ukraina khẳng định đa số nhằm hỗ trợ trực tiếp cho cuộc phản công đang được tiến hành từ gần ba tháng qua. Các lữ đoàn biết được địa điểm quân Nga tồn trữ vũ khí nhưng đành bó tay, nên kêu gọi đơn vị drone giúp sức.

Drone được phóng lên vào sáng sớm lúc địch thiếu tập trung, gây rối loạn cho phòng không Nga. Họ thu thập tin tình báo, thường từ đồng minh phương Tây về các radar, chiến tranh điện tử, phương tiện phòng không. Nga không thể khóa chặt toàn bộ lãnh thổ rộng lớn, nên 35-40 % số drone đến gần được mục tiêu. Những khó khăn Kiev đang gặp phải là tài chánh, và khó tìm mua linh kiện giá rẻ.

Một nguồn tinh tình báo Ukraina cho biết Nga đã thu gom được nhiều thiết bị để chế tạo drone đánh vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Kiev trong mùa đông tới, quân Nga cũng rút ngắn được một số khoảng cách về kỹ thuật. Một chiến sĩ sử dụng drone mang bí danh « Thám tử » thổ lộ, anh thường nhận được những cuộc gọi từ tiền tuyến cám ơn đã giúp được hưởng hai, ba ngày không có bom Nga.

Putin khó tránh một vụ binh biến mới 

Liên quan đến vụ rớt máy bay của thủ lãnh Wagner, L'Express giải thích « Vì sao Putin không thể tránh khỏi một cuộc nổi loạn mới », và tại Kremlin, là « thời điểm của thanh trừng ». Courrier International trích dịch The Atlantic với nhận xét « Cái chết của Prigozhin báo trước một kỷ nguyên bạo lực », còn theo The Guardian, « Tại châu Phi, Matxcơva không còn tấm bình phong nào ».

Nước Nga của Vladimir Putin từ lâu là một đất nước của những cái chết bí ẩn. Năm 1998, sau khi được bổ nhiệm đứng đầu cơ quan an ninh, Galina Starovoitova vốn chủ trương dân chủ hóa đất nước, đã bị bắn hạ ngay tại cầu thang tòa nhà ở Saint-Pétersbourg. Đến 2006, Anna Politkovskaia, nhà báo biết quá nhiều về cuộc chiến Checnya, có cùng số phận trước cầu thang nhà mình ở Matxcơva.

Năm 2015, Boris Nemtsov, người thường xuyên chỉ trích Putin, bị một tay giết mướn hạ thủ ngay gần điện Kremlin… Nhưng trường hợp Yevgeny Prigozhin thì khác hẳn, ông ta không phải là nhà đối lập mà đã giúp Putin rất nhiều tại Bakhmut, cùng với cuộc chiến bóp méo thông tin của đội ngũ dư luận viên…

Giống như nhân vật Icare trong huyền thoại Hy Lạp, chết vì đôi cánh bị thiêu cháy khi bay quá gần mặt trời, Yevgeny Prigozhin sau khi dám công khai thách thức Vladimir Putin, chiếc phi cơ riêng chiều 23/08 đã rơi thẳng xuống đất tan xác trong một hỏa ngục lửa.

Chữ ký của ông chủ điện Kremlin rất rõ, qua việc thản nhiên sát hại những người vô tội như phi hành đoàn, thông điệp vô cùng tàn bạo. Prigozhin dấy loạn nhưng lại bỏ ngang không tiến đến tận Matxcơva, tuy nhiên có thể những người khác sẽ làm điều đó thay vì ngồi chờ đến lượt mình bị trừng phạt. Nhà sử học Galia Ackerman nhận định : « Putin càng hoành hành, ông ta càng kém an toàn hơn ».

Nga-Trung sẽ còn căng thẳng

Nhìn chung, giáo sư Serhy Plokhy của đại học Harvard khi trả lời L'Express đã bác bỏ những luận điệu giả dối về lịch sử của Putin. Theo ông, thay vì mang lại tầm vóc một đại cường, cuộc chiến Ukraina đã bộc lộ những yếu kém của chế độ. Vụ binh biến của Prigozhin và cuộc thanh trừng hiện nay trong quân đội chứng tỏ đã có những hoài nghi trong chính bộ máy an ninh.

Nhà nghiên cứu dự báo căng thẳng sẽ gia tăng giữa Nga và Trung Quốc, dù về mặt chính thức hai nước có « tình hữu nghị vô giới hạn ». Đó là một liên minh chống phương Tây nhưng trên thực tế có nhiều hạn chế. Về ngắn hạn, Trung Quốc lệ thuộc vào thị trường Mỹ và châu Âu thay vì Nga. Về dài hạn, ngoài sự tranh giành ảnh hưởng ở Trung Á, tranh chấp lãnh thổ ngày càng căng vì Trung Quốc không hề bỏ qua yêu sách ở Xibêri và Viễn Đông Nga, dân Hoa lục cũng kéo sang cư ngụ đông đảo tại vùng này.

Putin muốn kéo nước Nga ra khỏi châu Âu, hướng về Trung Quốc, nhưng nhiều người dân Nga bất bình. Giới tinh hoa vốn gần gũi về văn hóa với châu Âu, thích xài tiền ở Paris thay vì Bắc Kinh, và tác giả không cho rằng Bắc Kinh có thể nhanh chóng thay thế Paris trong tâm trí những người Nga có học thức.

Matxcơva thiệt hại nặng vì phương Tây cấm vận

Trên lãnh vực kinh tế, chuyên gia Nicolas Bouzou trên L'Express nhận định « Các biện pháp trừng phạt của phương Tây rõ ràng đã gây thiệt hại nặng cho Nga ». Trái với khẳng định của một số người, việc áp đặt mức trần 60 đô la/thùng cho dầu lửa Nga đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tài chánh của nước này. Đồng rúp mất giá đến 30 % so với đồng đô la kể từ đầu năm nay.

Dù đã lập ra những « đoàn tàu ma » để tránh né, thuế thu từ dầu khí đã giảm 40 % từ đầu 2023 và trong 7 tháng qua, thâm hụt lên đến 2 % GDP, một kỷ lục đối với đất nước đã quen với thặng dư ngân sách.

Tác giả cho rằng không nên bị ảnh hưởng bởi những lời bình luận cho là « trừng phạt không hiệu quả », « chỉ khiến Matxcơva ngã vào vòng tay Bắc Kinh », vì hiệu quả của cấm vận là trong dài hạn. Nga chưa sụp đổ, nhưng phải trả giá rất đắt cho cuộc xâm lăng.

Cuộc di tản lớn nhất của người Nga từ thập niên 20

Về phần người dân Nga đã di cư với số lượng lớn kể từ cuộc xâm lăng, làm tăng thêm những khó khăn kinh tế cho Vladimir Putin, theo The Economist.

Khoảng 300.000 người Nga đã chạy khỏi đất nước trong đợt đầu tiên. Làn sóng di tản thứ hai diễn ra vào tháng 9/2022, khi Vladimir Putin loan báo « động viên từng phần », những thanh niên tuyệt vọng tìm cách vượt biên giới để tránh bị đẩy ra chiến trường Ukraina. Các ước tính độc lập mới nhất cho rằng từ 817.000 đến 922.000 người đã rời nước Nga từ tháng 2/2022.

Họ tìm đến Kazakhstan và Serbia là chính, mỗi nước đón nhận 150.000 người. Nhưng người Nga cũng tỏa đi khắp thế giới, trong đó từ 30.000 đến 40.000 ở Hoa Kỳ. Đây là cuộc di tản lớn nhất kể từ thập niên 20, đa số có thu nhập và học vấn cao. Vào tháng Tư, Viện Gaidar ở Matxcơva công bố có tới 35 % xí nghiệp thiếu lao động, cao nhất từ 1996 đến nay, đặc biệt ít nhất 100.000 chuyên gia vi tính đã rời nước Nga.

Nga yếu thế, Bắc Kinh thừa cơ lấn đất

Giậu đổ, bìm leo. Courrier International nhận thấy « Một bản đồ chính thức của Trung Quốc đã gộp cả một mảnh đất là lãnh thổ của Nga », nhưng Kremlin không nhanh chóng phản ứng như những nước khác. Ngày 28/08, bộ Tài Nguyên Trung Quốc công bố bản đồ năm 2023, trong đó bên cạnh những vùng đất tranh chấp với Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Việt Nam ; còn có cả đảo Bolshoi Ussuriysky mà Bắc Kinh gọi là Hắc Hạt Tử bị cho nằm gọn trong biên giới Hoa lục.

Hòn đảo có diện tích 350 kilomet vuông trên dòng Hắc Long Giang đã được Nga và Trung Quốc có thỏa thuận phân chia từ năm 2008. Thế nhưng trên bản đồ mới, toàn bộ hòn đảo thuộc về Trung Quốc ! Tờ Newsweek của Mỹ tỏ ra ngạc nhiên trước « sự im lặng của Kremlin », trong khi các quốc gia châu Á liên quan đều chính thức lên tiếng phản đối. Rốt cuộc đến 31/08 phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga mới nói rằng « vấn đề biên giới » đã được đôi bên giải quyết dứt khoát từ lâu. Một nguồn tin ngoại giao Nga nói với RBK có lẽ « đây chỉ là vấn đề kỹ thuật ».

Thụy My (RFI)

Bài liên quan