Gói chính sách thuế và biện pháp kinh tế còn gọi là Autumn Statement (Bản Công bố Ngân sách mùa Thu) được Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt tung ra giữa tháng 11/2022.
Đây là sự kiện rất được chờ đợi trong bối cảnh chính trị Anh vừa qua một giai đoạn rối ren chứng kiến sự ra đi của hai thủ tướng chỉ trong vòng hai tháng.
Trong thực tế, rất nhiều thay đổi có hiệu lực từ tháng 4/2023 đã được đưa ra, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và người dân trên toàn nước Anh, trong đó có động đồng Việt, đa số làm chủ các tiệm nail, nhà hàng, thuộc khối doanh nghiệp nhỏ.
Tối thứ Ba 29/11/2022, VBUK – Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Vương Quốc Anh tổ chức talk show về chủ đề “Chính sách thuế & kinh tế mới của chính phủ Anh” nhằm cập nhật đến cho doanh nghiệp và cộng đồng Việt ở Anh những điểm đáng chú ý của Autumn Statement.
Buổi talk show do Ban Kinh Tế của VBUK tổ chức với sự tham gia của hai diễn giả Nguyễn Minh Đức (CEO của công ty kế toán & tư vấn tài chính A2B Tax) và Nguyễn Trung Nam (Co-Founder & Partner của công ty luật EP Legal).
Moderator của buổi talk show là ông Thái Trần, founder của Cargo Global (công ty logistics toàn cầu) và CEO của TT Meridian (công ty chuyên về xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Vương Quốc Anh và Việt Nam).
Phóng viên BBC News Tiếng Việt đã dự sự kiện này qua Zoomlink và nghi nhận đa số người Việt làm doanh nghiệp ở London và Anh đặt nhiều câu hỏi về thuế mới cùng những ý kiến về tình hình chung.
Có những lo ngại rằng để tăng tiền thu ngân sách cho chính phủ, nhằm bù vào khoản 55 tỷ bảng Anh thâm hụt chi thu, theo thông báo của Bộ trưởng Jeremy Hunt, doanh nghiệp sẽ phải đóng thuế nhiều hơn, hoặc dễ bị kiểm tra việc báo thuế VAT, thuê lao động.
Hội thảo đã trả lời và giải thích một số nội dung đáng chú ý như sau:
Thay đổi mức thuế doanh nghiệp (corporation tax) từ tháng 4/2023:
Công ty có lợi nhuận dưới £50.000/năm vẫn được hưởng thuế suất 19%. Mức lợi nhuận từ £50.000 đến £250.000, cách tính thuế sẽ phức tạp hơn và thuế suất sẽ dao động từ hơn 19% đến dưới 25%. Công ty có lợi nhuận trên £250.000 sẽ đóng theo thuế suất 25% và sẽ áp dụng cho tất cả lợi nhuận.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam ở Anh có quy mô vừa và nhỏ nên chính sách này có ảnh hưởng nhưng mức độ sẽ là tương đối nhỏ.
Thuế giá trị gia tăng (value added tax – VAT)
Lời giải thích của ông Thái Trần cho biết ở Anh có ba mức thuế suất VAT là 20% (standard rate) với đa số hàng hoá dịch vụ; 5% (reduced rate) với một số hàng hoá dịch vụ như ghế ngồi trẻ em hay năng lượng dân dụng; và 0% (zero rate) với một số hàng hoá dịch vụ như vận tải quốc tế, quần áo và thực phẩm dành cho trẻ em.
Chụp lại hình ảnh,Bộ trưởng Tài chính Anh, Jeremy Hunt trả lời báo chí trước giờ công bố chính sách thuế mới trong Báo cáo Ngân sách mùa Thu
Mặc dù lạm phát đang ở mức cao, chính phủ Anh vẫn giữ quy định: Doanh nghiệp ở Anh bắt buộc phải đăng ký VAT nếu doanh thu vượt £85.000/năm. Nếu doanh thu dưới mức này, doanh nghiệp không nhất thiết phải đăng ký VAT.
Đây là câu chuyện liên quan đến nhiều tiệm làm móng tay của người Việt ở Anh.
Ông Minh Đức cho biết: Điều này có nghĩa là với mức độ lạm phát cao nhất trong vòng 41 năm như hiện giờ (11,1% trong tháng 10 và 10,1% trong tháng 9), nhiều doanh nghiệp phải tăng giá bán dẫn đến việc tăng doanh thu và cần phải đăng ký VAT sớm hơn, và như vậy chính phủ sẽ thu được nhiều thuế VAT hơn.
Cũng theo quan sát của ông Minh Đức, nhiều doanh nghiệp Việt ở Anh đang có quy mô doanh thu rất gần mức £85.000/năm, do đó nhóm này sẽ cần đăng ký tham gia VAT sớm.
Việc đăng ký VAT có lợi ích là giúp doanh nghiệp hoàn thuế VAT các khoản chi ra nhưng cũng khiến giá bán sản phẩm dịch vụ đến tay khách hàng bị tăng lên do cần cộng thêm VAT vào giá. Đây là quy định bất lợi với rất nhiều doanh nghiệp Việt ở quy mô nhỏ ở Anh hiện nay.
Về thuế thu nhập cá nhân (income tax) và lương tối thiểu (minimum wage)
Cũng giống như thuế giá trị gia tăng, theo ông Minh Đức, các chính sách liên quan đến thuế thu nhập cá nhân cũng nhằm mục đích giúp chính phủ Anh thu được nhiều thuế hơn.
Một mặt, ngưỡng những người có thu nhập cao bắt đầu trả mức thuế cao nhất 45% sẽ là £125.140/năm, giảm từ £150.000/năm.
Tất cả các ngưỡng thuế thu nhập khác sẽ được giữ nguyên ở mức hiện tại cho đến tháng 4 năm 2028. Cụ thể như sau:
• Thu nhập từ £1 cho đến £12.570: Mức thuế là 0%
• Thu nhập từ £12.571 đến £50.270: Mức thuế là 20%
• Thu nhập từ £50.271 đến £125.139: Mức thuế là 40%
Cập nhật về chính sách liên quan đến lương tối thiểu, ông Trung Nam cho biết đây là một trong những điểm được chính phủ Anh và sở thuế (His Majesy Revenue & Customs – HMRC) rất chú trọng vì điều này đảm bảo mức sống cho người dân Anh.
Ở Anh, chủ doanh nghiệp không được phép trả người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu tính theo giờ thuê lao động.
Nếu bị phát hiện vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị phạt và thậm chí có thể bị quy vào tội sử dụng lao động nô lệ (modern slavery).
Theo quan sát của ông Trung Nam, một số doanh nghiệp Việt ở Anh còn chưa nắm vững quy định này hoặc còn chưa chặt chẽ trong hợp đồng lao động.
Ông nêu ra lời khuyên cần rà soát lại hợp đồng, quy định với người lao động, nhất là mức lương tính theo giờ, số ngày nghỉ trong năm hoặc thời gian làm việc mỗi ngày.
Mức lương tối thiểu từ tháng 4/2023 sẽ đồng loạt tăng thêm 10% ở tất cả các nhóm tuổi. Chẳng hạn, lương tối thiểu đối với lao động 23 tuổi trở lên tăng từ £9.50 lên £10.42 mỗi giờ.
Đây là mức bắt buộc, và trả thiếu, trả “ngoài luồng bằng tiền mặt” không được công nhận nếu hai bên không cùng ghi lại. Vì thế, chủ tiệm nếu làm sai, hoặc thiếu giấy tờ, hóa đơn, bảng lương, có thể bị phạt nặng.
Đã có trường hợp người làm công nhận tiền rồi nhưng báo sở thuế đòi thêm từ chủ.
Cuộc thảo luận cũng đề cập tới mục miễn giảm cổ tức (dividend allowance) và thuế thặng dư vốn (capital gain tax).
Theo diễn giả Minh Đức, mức miễn giảm cổ tức – ngưỡng được hưởng thuế suất 0% – ở Anh đã liên tục giảm trong những năm gần đây. Nhiều chủ doanh nghiệp thường nhận mức lương hàng tháng rất thấp và thu nhập của họ đến từ hưởng cổ tức hàng năm để tận dụng những lợi ích do miễn giảm cổ tức mang lại. Rất nhiều doanh nghiệp người Việt ở Anh cũng đang làm theo cách này.
Tuy nhiên, chính phủ Anh đã liên tục cắt giảm mức miễn giảm cổ tức, từ £5.000 khi được giới thiệu lần đầu vào tháng 4/2016 xuống còn £2.000 từ tháng 4/2018 và tiếp tục giảm xuống còn £1.000 từ tháng 4/2023 và £500 từ tháng 4/2024.
Thuế đánh vào cổ tức cũng đã tăng từ 7,5% lên 8,75% từ tháng 4/2022.
Anh Quốc nổi tiếng là nơi hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vì họ có thể kiếm lời từ việc mua tài sản giá rẻ ban đầu và bán đi sau một khoảng thời gian nắm giữ. Khoản lợi nhuận này được gọi là thặng dư vốn (capital gain).
Thế nhưng sức hấp dẫn này có thể giảm đi khi số tiền được miễn thuế đối với thặng dư vốn sẽ giảm từ £12.300 xuống £6.000 từ tháng 4/2023 và xuống tiếp £3.000 từ tháng 4/2024.
Theo ông Minh Đức, một số chương trình trả lương bằng cổ phiếu cho nhân viên sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn, có khả năng khiến một số công ty khó tuyển dụng và giữ chân nhân tài hơn.
Cuối cùng là câu hỏi về thuế trước bạ đối với nhà ở còn gọi là stamp duty.
Với kinh nghiệm xử lý các hồ sơ mua nhà cho nhiều người Việt ở Anh, ông Trung Nam – một luật sư – cập nhật khá cụ thể các mức thuế trước bạ và nhận định đây là một trong số ít những điểm của Mini Budget do chính phủ người tiền nhiệm Liz Truss đưa ra được chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak giữ lại trong gói chính sách lần này.
Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ Anh vẫn xác định cần kích thích thị trường bất động sản và hỗ trợ những người chưa có cơ hội sở hữu nhà.
Giá trị nhà:
• từ £1 đến £250,000: thuế trước bạ là 0%
• £250,001 đến £925,000: thuế trước bạ là 5%
• £925,001 đến £1,500,000: thuế trước bạ là 10%
• Trên £1,500,000: thuế trước bạ là 12%
Đối với người mua nhà lần đầu mức thuế 0% được áp dụng đối với các tài sản có giá trị từ £1 cho đến £425,000. Mức ưu đãi này chỉ áp dụng cho các tài sản trị giá không quá £625,000.
Còn đối với các nhà đầu tư bất động sản hoặc mua nhà thứ hai (second home), mức thuế 3% đóng thêm vẫn giữ nguyên. Vì vậy, 3% sẽ được trả cho bất kỳ tài sản nào có giá trị lên tới £250.000 và 8% cho £675.000 tiếp theo.
Tư vấn cho cộng đồng Việt ở Anh, ông Trung Nam cho biết việc mua nhà là một quá trình và cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hồ sơ thu nhập trước vài tháng để đảm bảo đươc ngân hàng cho vay.
Thông điệp được nêu ra là cần khai thuế đầy đủ để có doanh thu hợp pháp, làm cơ sở cho việc vay tín dụng mua nhà.
Ông Trung Nam nói một số người Việt có nhu cầu vay ngân hàng để mua nhà nhưng đang báo thuế quá thấp nên khi hỏi vay ngân hàng thì không được vay nhiều. Các ngân hàng ở Anh thường cho vay khoảng gấp 4 đến 5 lần thu nhập báo thuế hàng năm của người vay. Nếu nghĩ đến cuộc sống lâu dài và lợi ích từ sở hữu bất động sản thì cần phải thay đổi tư duy ở chỗ này.
Người Việt ở Anh nghĩ gì về chính sách mới?
Ông Thái Trần, người dẫn chương trình và cũng là lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu giữa Anh và Việt Nam nhận định:
“Gói chính sách mới của chính phủ Anh nhìn chung đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách và các thị trường tài chính.”
Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì đã xảy ra với gói Mini Budget do chính phủ của bà Liz Truss đưa ra hồi tháng 9/2022. Mini Budget đã làm thị trường tài chính Anh chao đảo và khiến cả thủ tướng lẫn bộ trưởng tài chính phải tuyên bố từ chức. Lần này, không có bất cứ xáo trộn nào đáng kể ở các thị trường tài chính sau khi gói chính sách của chính phủ Rishi Sunak được đưa ra.
Ông nói đồng bảng Anh thậm chí đã hồi phục so với đồng USD và lãi suất trái phiếu chính phủ Anh đã giảm, những tín hiệu cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào năng lực điều hành kinh tế vĩ mô của chính phủ Anh đã được cải thiện.
Điều này ngay lập tức khiến mảng dịch vụ logistics và xuất nhập khẩu của công ty ông được hưởng lợi.
Nhìn tới tương lai
Phóng viên BBC ghi nhận nhiều câu hỏi của cử tọa tham gia thảo luận Zoom thể hiện cả sự lo lắng về thời gian tới, trong bối cảnh lạm phát, giá nhiên liệu tăng cao và bất ổn chính trị vẫn khiến kinh tế Anh vài năm tới rất khó khăn.
Các diễn giả cho rằng người Việt ở Anh đa số làm trong những ngành như nail, làm đẹp, nhà hàng, siêu thị nên có thể bị ảnh hưởng trực tiếp do thu nhập khả dụng (disposable income) của người dân Anh giảm đi khiến họ phải thắt chặt chi tiêu.
Song song với đó, chính phủ đưa ra những chính sách thuế ‘nặng tay hơn’ với cả doanh nghiệp và người dân để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách 55 tỷ bảng chi ra trong thời gian Covid để cứu nền kinh tế.
Cùng chung nhận định, ông Minh Đức và ông Trung Nam cho biết quãng thời gian sắp tới sẽ là rất khó khăn, đòi hỏi doanh nghiệp Việt ở Anh cần kiểm soát chi phí tốt hơn, rà soát lại hợp đồng lao động và hợp đồng với đối tác, để hoạt động hiệu quả hơn.
VBUK – Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Vương Quốc Anh là một tổ chức phi lợi nhuận, một hiệp hội của các doanh nghiệp người Việt/gốc Việt tại Anh. Ngoài các sự kiện kết nối giao thương Việt Nam-Anh Quốc và các chương trình dành cho hội viên, VBUK tổ chức định kỳ talk show nhằm giới thiệu pháp luật, chính sách thuế, kinh tế cho cộng đồng Việt. Xem thêm: www.vbuk.org.uk
Nguồn: BBC